Đánh giá Tam_quốc_chí

Tam quốc chí là chính sử ghi chép về thời Tam quốc của Trung Quốc, được xếp vào danh sách nhị thập tứ sử. Đương thời đại thần nhà TấnTrương Hoa đánh giá rất cao tác phẩm này. Sau khi Trần Thọ mất, Thượng thư lang Phạm Quân dâng biểu tâu rằng:

Trần Thọ viết Tam quốc chí, lời văn nhiều chỗ khuyên răn, tỏ rõ mọi điều lợi hại, có ích cho phong hóa, tuy văn không hay bằng Tương Như nhưng chất thì ngay thẳng hơn nhiều, nguyện xin sao lục[10].

Lưu Hiệp, người thời Lương (Nam-Bắc triều) đánh giá Tam quốc chí của Trần Thọ như sau:

Tam quốc chí của Trần Thọ thấm nhuần chất văn, Tuân, Trương đem so sánh với Thiên, Cố chẳng phải là quá lời[11].

Thiếu sót lớn nhất của Tam quốc chí là chỉ có bản kỷ và liệt truyện, không có phần chí và biểu, do đó tác phẩm chủ yếu chép về các nhân vật thời Tam quốc chứ không chép về địa lý, kinh tếchế độ chính trị. Tính khách quan của Trần Thọ khi viết sử cũng còn nhiều ý kiến phê bình khác nhau, như Tấn thư của Phòng Huyền Linh ghi lại rằng:

Đinh Nghi, Đinh Dị là hai người có tiếng ở nước Ngụy, Thọ bảo con họ rằng:"Nếu tìm cho ta được nghìn hộc lương, ta sẽ vì tôn phụ mà viết truyện cho hay."Họ Đinh không mang đến nên không được viết truyện. Cha Thọ làm tham quân cho Mã Tốc, Tốc bị Gia Cát Lượng giết, cha Thọ cũng bị xử tội cắt tóc, Gia Cát Chiêm lại khinh Thọ. Thọ viết truyện về Lượng, bảo Lượng mưu lược không cao, không có tài ứng địch, bàn luận thì chỉ dựa vào sách vở, tiếng tăm vượt quá sự thực. Người bàn lấy đó để chê[12].

Lưu Tri Kỷ trong Sử thông, thiên Trực thư phê bình việc Trần Thọ không đề cập đến việc Tư Mã Ý gặp bất lợi khi tác chiến với Gia Cát Lượng và việc Tào Mao phát binh đánh Tư Mã Chiêu, bị Thành Tế giết:

Lúc Tuyên, Cảnh mới khai sáng cơ nghiệp, khi (họ) Tào và (họ Tư) Mã tranh giành, hoặc dựng doanh trại ở sông Vị, bị thua Vũ hầu, hoặc phát binh ở Vân Đài (đánh Tư Mã Chiêu), bị Thành Tế hại chết, Trần Thọ, Vương Ẩn đều ngậm miệng không nói đến[13].

Đường Canh, người thời Bắc Tống phê bình cách xưng hô quốc hiệu Thục Hán của Trần Thọ như sau:

Trên từ Sử ký Tư Mã Thiên, dưới đến Ngũ Đại sử, trong khoảng mấy ngàn năm, từ vương bá chính thống đến tiếm ngôi loạn tặc, từ các nước nhỏ, cho đến các nước Man Di Nhung Địch ở bên ngoài, sử gia không bao giờ là không ghi chép quốc hiệu, nhưng Tam quốc chí thì không thế. Cha con Lưu Bị nối tiếp nhau cai trị hơn bốn chục năm, trước sau đều xưng quốc hiệu là Hán, chưa từng xưng là Thục bao giờ, nếu như có xưng Thục thì cũng chỉ là lời tục xưng mà thôi. Trần Thọ phế bỏ chính hiệu, dùng lời tục xưng, làm theo ý riêng của Ngụy Tấn, bỏ đi phép công của người viết sử. Dụng ý như thế, thì những việc thiện ác khen chê trong sách chắc cũng định đoạt luôn, là đáng tin ư![14]

Đường Canh còn ghi lại lời Vương An Thạch khuyên Âu Dương Tu biên soạn lại lịch sử thời Tam Quốc:

Trước kia Âu Dương Văn Trung công viết Ngũ Đại sử, Vương Kinh công nói rằng: Chuyện thời Ngũ Đại, không đủ để ghi chép, sao đủ làm phiền đến ông. Những chuyện đáng vui mừng thời Tam Quốc rất nhiều, đều bị Trần Thọ phá hoại. Bây giờ có thể viết lại[15].

Tam quốc chí quyển 20: Vũ Văn thế Vương Công truyện có chép việc Tào Xung cân voi, Hà Trác (người thời Thanh) nghi ngờ rằng việc này không chắc đã có thật:

Tôn Sách chết vào năm Kiến An thứ năm, Tôn Quyền mới lên thay, đến năm Kiến An thứ mười lăm Quyền sai Bộ Chất làm Thứ sử Giao Châu, Sĩ Nhiếp đem anh em đến vâng theo mệnh lệnh, sau đó (người Ngô) mới có thể biết được loài voi to (ở Giao Châu), còn Thương Thư (tên tự của Tào Xung) thì đã mất vào năm Kiến An thứ mười ba, do đó việc (Tào Xung cân voi) là bịa đặt. Vạch mực nước đánh dấu trên thuyền thì nghi rằng toán thuật cũng có phép này.[16]

Tam quốc chí quyển 30: Ô Hoàn Tiên Ti Đông Di truyện đã dựa vào các tư liệu từ Ngụy thư của Vương ThẩmNgụy lược của Ngư Hoạn để ghi chép về Nhật Bản - quốc gia ở phía đông Trung Quốc. Đây là sử liệu rất quan trọng ghi chép lịch sử Nhật Bản thời kỳ cổ đại.